Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Thị trường vật liệu xây dựng 2015: Vững tiềm lực để hội nhập

Thị trường thêm mẫu mã mới

Phó chủ tịch Hội VLXD, ông Lê Anh Ba đánh giá, ngành công nghiệp sản xuất VLXD rất quan trọng trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng.

Năm 2014, thị trường VLXD đã xuất hiện những mảng sáng với nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan. Thị trường VLXD đang có những bước đi mạnh dạn ra ngoài các thị trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính như EU, Mỹ. Trong đó, thị trường xi măng có sức tiêu thụ nội địa và sản lượng xuất khẩu đều tăng so cùng kỳ năm 2014.

Câu hỏi đặt ra ở đây là với đà tăng như vậy, thị trường VLXD có gì đột biến trong năm 2015? Chủ tịch Hội VLXD, ông Tống Văn Nga nhấn mạnh: Năm 2015, sức tiêu thụ VLXD sẽ tăng so với năm 2014 do thị trường BĐS đã ấm lên. Thị trường sẽ có thêm nhiều những mẫu mã mới. Bên cạnh đó, sẽ có sự phân hóa trong tốc độ tăng trưởng của từng dạng sản phẩm, tăng khá nhất sẽ là xi măng bởi việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như cầu cảng, đường giao thông nông thôn… tiếp tục được đẩy mạnh còn các loại vật liệu xây dựng khác như gạch xây, kính, ceramic… sẽ tăng nhưng chỉ ở mức bình thường. Trong ngành gạch không nung thì gạch bê tông bọt và gạch xi măng cốt liệu tiếp tục tăng khá, còn riêng gạch bê tông khí chưng áp AAC do chất lượng chưa thực sự đảm bảo sẽ vẫn gặp khó khăn.

Ảnh minh họa

Vị Chủ tịch Hội VLXD nhấn mạnh: “Để VLXD phát triển bền vững, cần đầu tư thêm các thiết bị thí nghiệm, nâng cao công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp, đồng thời đội ngũ chuyên gia sản xuất phải được đào tạo kĩ càng, phải có chuyên gia hướng dẫn xây dựng loại gạch này thì gạch bê tông khí chưng áp mới phát triển được”.

Hội nhập cần có sức khỏe

Năm 2015, Theo ông Lê Anh Ba, , cạnh tranh trong thị trường VLXD ở Việt Nam chắc chắn sẽ quyết liệt hơn bởi kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với các nước trong khu vực và nền kinh tế thế giới. Đây cũng là năm Việt Nam cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế có mức thuế suất là 0% và 7%. Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA, thành lập năm 1993) cũng đang tiến tới thực hiện những cam kết cuối cùng để thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC) vào năm 2015.

AEC được thành lập với  là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề trong khối, điều đó cũng đồng nghĩa các DN VLXD của nước ta có nhiều cơ hội tham gia thị trường 500 triệu dân nhưng cũng gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các tập đoàn, các nước trong khối.

Chủ tịch Hội VLXD cho rằng: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các DN cần tuân thủ các quy định, chủ động trước thời cơ và thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, các DN VLXD trong nước cần cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và giá thành sản xuất không nên cạnh tranh bằng cách “dìm giá”, tránh hiện tượng tranh mua tranh bán lẫn nhau.

“Cần liên kết, hợp tác để phát triển. Không phải mặt hàng nào chúng ta cũng xuất khẩu mà cần tính toán xuất khẩu những sản phẩm có giá trị cao. Đơn cử giá trị 1kg xi măng so với 1kg gạch gốm thì mức chênh quá lớn nên xuất khẩu xi măng cần có mức độ và cần đẩy mạnh tiêu thụ xi măng trong nước, phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Nên tính toán để xuất khẩu xi măng tập trung dưới sự điều phối của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Hiệp hội Xi măng Việt Nam”, Chủ tịch Hội VLXD nhấn mạnh.

Để giúp DN xây dựng được mạng lưới này, đại diện Hội VLXD cho rằng Bộ Công Thương mà đại diện là Cục Xúc tiến thương mại cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới đồng bộ, là cầu nối giúp các DN có cơ hội tiếp cận các thị trường mới hiệu quả nhất. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho xuất khẩu VLXD được đánh giá là còn hạn chế do nguồn lực tài chính có hạn, chưa có khả năng đầu tư đúng mức cho công tác xúc tiến thương mại.

Theo ông Nga, các DN VLXD của Việt Nam cần quan tâm hơn đến hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt cần xây dựng thương hiệu, mạng lưới tiếp thị, phân phối sản phẩm thật tốt. Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để các DN cạnh tranh lành mạnh.

Như vậy, năm 2015 là năm ghi dấu mốc quan trọng, các DN VLXD cần chuẩn bị tâm thế để “vững tay chèo” trước cuộc cạnh tranh mạnh mẽ, không chỉ cạnh tranh lẫn nhau giữa các DN trong nước với các DN ngoài nước. Và chỉ những DN có chiến lược đúng hướng, công tác quản trị tốt, sức mạnh nội lực lớn, tâm thế vững mới có thể vượt qua cuộc “thử lửa” thành công.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét